Trên những bước đầu tiên của chặng đường đời, các bậc cha mẹ luôn muốn chỉ cho con những bài học được đúc kết từ hàng chục năm kinh nghiệm của mình. Từ đó, có thể giúp con rút ngắn quãng đường mình đi, tránh được nhiều nguy cơ. Khác với những kiến thức tương đối nặng về lí thuyết trên trường lớp, đây chắc chắn sẽ là hành trang hữu ích theo con trong suốt cuộc đời phía trước.
1. Luôn hành xử tử tế
Hành xử tử tế là một trong những điều nên được nhắc đến đầu tiên. Bởi lẽ, đây là giá trị cốt lõi của cuộc sống. Biết cách quan tâm, biết đặt mình vào vị trí của người khác để hành xử đúng đắn là điều có thể giúp con tiến nhanh, tiến xa và tiến chắc chắn. Tử tế đôi khi được thể hiện qua những điều rất giản dị – sự khiêm nhường là một ví dụ. Nếu bạn quan tâm đến văn hoá Nhật Bản, chắc hẳn bạn từng nghe tới câu chuyện về cách dạy Công chúa Aiko của Hoàng gia Nhật. Công chúa nhỏ dù “cành vàng lá ngọc” đến đâu thì khi đến trường vẫn mang theo cơm hộp để ăn trưa cùng bè bạn, vẫn hớt hải xách cặp chạy vào lớp để kịp giờ. Chính sự giản dị này đã xoá nhòa ranh giới giữa hoàng gia và người dân, thể hiện quyền bình đẳng giữa các học sinh, giúp các em có thể thoải mái lớn lên giữa một môi trường không có khoảng cách xã hội, không đánh giá các em chỉ bằng hoàn cảnh gia đình – đó chính là sự tôn trọng vô cùng tử tế.
2. Đừng ngại thể hiện bản thân
Một trong những bài học mà cha mẹ Việt hay bỏ qua khi dạy con là việc khám phá và thể hiện khả năng bản thân. Tuổi trẻ vốn hay hoài nghi khả năng của mình. Cha mẹ có thể động viên con kiên trì thêm một chút với đam mê của mình, bên con sẻ chia mọi niềm vui nỗi buồn trên chặng đường hiện thực hoá niềm đam mê ấy. Ví dụ, nếu con gái đam mê vũ đạo, việc đăng kí cho con một khoá học nhảy chắc chắn sẽ khiến con tự tin hơn, vui vẻ khoẻ khoắn hơn mỗi ngày. Không chỉ vậy, thể hiện bản thân còn là cách các con có thể tự tin đưa ra và bảo vệ chính kiến của mình, từ đó giúp con hình thành thói quen tư duy độc lập – năng lực rất quan trọng trên hành trình tự sải bước phía trước của con mà nhiều người Việt trẻ đang còn thiếu.
3. Luôn lạc quan
Bên cạnh sự tử tế và việc trân trọng bản thân, sự lạc quan cũng là đức tính cần thiết trong mọi hoàn cảnh. Một người ủ ê suốt cả ngày sẽ không kiếm được việc làm tốt và cũng chẳng thể xây dựng được những mối quan hệ hạnh phúc. Việc con làm một bài kiểm tra không như ý, giận dỗi với bạn bè hay bị trượt một cuộc thi mà con ấp ủ từ lâu là những va vấp nhỏ bé đầu tiên và thực ra rất cần thiết. Nếu cha mẹ có thể giải thích cho con hiểu rằng, học lực của con hoàn toàn có thể cải thiện, con có thể chỉ đang nợ bạn một lời xin lỗi nhỏ hay cuộc thi con thích năm sau lại mở thì tất cả những thất vọng, buồn bã kia sẽ được biến thành nguồn năng lượng tích cực – giúp con quay trở lại “đường đua” với quyết tâm cao nhất.
4. Sống cho hiện tại
Bài học cuối cùng chính là thái độ sống cho hiện tại. Điều này tưởng chừng dễ mà thực ra rất khó. Bởi lẽ, chúng ta thường hay bị cuốn vào guồng quay công việc, học tập mà dễ dàng bỏ qua các kỉ niệm, những cảm xúc nhỏ bé thường ngày. Thế nhưng, chính những khoảnh khắc tận hưởng hiện tại mới là điều ghi dấu trong tâm hồn lâu nhất, đẹp đẽ nhất. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có lần từng tâm sự về các kì nghỉ ngắn cùng gia đình khi ông mới lên 5-6 tuổi và được cha đưa tới Tanglin Halt để ngắm xe lửa chạy qua: “Đó là một cuộc đi chơi và cảm giác vui sướng đặc biệt với chúng tôi”.
Điều tạo nên giá trị của những khoảnh khắc trong cuộc sống, phải chăng, là từ những người xung quanh, là mối quan hệ giữa chúng ta và đặc biệt, là việc ta có thể dành bao nhiêu tâm trí vào chúng. Xét đến cùng, đích đến của cuộc sống không nằm ở quá khứ đã qua, không nằm ở tương lai nhiều biến cố phía trước, mà nằm ở chính hạnh phúc trong hiện tại.
Giang Nguyễn