3 SỰ THẬT KHÔNG PHẢI AI CŨNG SẴN SÀNG CHO CON BIẾT

Con thân yêu,

Mỗi người khi đến với thế giới này đều là một trang giấy trắng. Con cũng vậy. Và con cần những người đi trước dẫn dắt để làm quen với mọi thứ, và cha mẹ là những người luôn sẵn sàng làm việc đó.

Cha mẹ cũng từng như con bây giờ, cũng từng trải qua các vấn đề tuổi dậy thì, từng bị căng thẳng những ngày đầu làm người lớn. Cho dù thế giới của các con và của bố mẹ rất khác nhau, nhưng những bài học vẫn là thứ sống mãi qua nhiều thế hệ.

Vì thế, hôm nay, cha mẹ muốn chia sẻ với con về 3 điều trong cuộc sống không phải ai cũng sẵn sàng cho con biết để con đọc và suy ngẫm thêm. Hi vọng rằng, với những chia sẻ này của cha mẹ, con sẽ có thêm sự tự tin và kinh nghiệm cho chặng đường tương lai của con nhé!

✔️✔️ Mọi mục tiêu đều quý giá và đáng phấn đấu như nhau

“Mai này con muốn làm nghề gì?”

“Thế định thi vào trường nào?”

“Đã chọn được chuyên ngành gì chưa?”

Các con trong độ tuổi teen thường bị bủa vây với rất nhiều câu hỏi liên quan đến mục tiêu cá nhân. Ai trình bày được rõ ràng, mạch lạc, mục tiêu vĩ đại và to lớn thì được khen ngợi hết lời. Ai ấp úng không trả lời được, hay có mục tiêu “bình dị” quá, thì lại bị chê là nhạt nhẽo, lãng phí tuổi trẻ.

Sự thật là: chỉ có con mới biết rõ nhất mục tiêu nào thật sự có ý nghĩa với mình.

Ngoài xã hội, có người chọn đi làm 8 tiếng một ngày, cũng có người chọn công việc tự do. Có người chọn làm văn phòng ít vận động, cũng có người chọn làm huấn luyện viên thể thao. Có người thích công việc nhiều áp lực, cũng có người muốn nhàn nhã để dư dả thời gian cho gia đình. Quan trọng là họ đều vui vẻ và hạnh phúc với lựa chọn của mình và vẫn cống hiến cho xã hội bằng năng lực vốn có của họ.

Cuộc đời muôn màu muôn vẻ là thế, theo đuổi một mục tiêu bình dị hay lớn lao thì đều đúng đắn cả. Chỉ cần nó giúp ích cho xã hội và phù hợp với con là đủ. Đừng vì mong muốn của người khác, ngay cả khi đó là ông bà hay bố mẹ, mà ép bản thân theo đuổi một lộ trình không dành cho mình.

Đọc thêm: 5 cách giúp con tìm ra ý nghĩa cuộc đờiThuyết con nhím – Bí quyết giúp con chọn nghề nghiệp lý tưởng

✔️✔️ Nhận sự trợ giúp từ gia đình không có gì đáng xấu hổ

“Con ông cháu cha” là một cụm từ khá nhạy cảm thời đi học. Song, khi bước chân vào thị trường lao động, con sẽ nhận ra có rất nhiều người trên thế giới đã tận dụng rất tốt nền tảng từ gia đình để gây dựng sự nghiệp của riêng họ. Đó có thể là xin thực tập dựa trên quan hệ của bố mẹ, xin vốn để khởi nghiệp hay đi du học, v.v…

Tất cả đều là khoản đầu tư xứng đáng và tốt cho tương lai, nhưng nhiều người vì ngại bố mẹ mà lại cương quyết từ chối. Nguyên nhân lớn nhất thường đến từ việc con mong muốn một mình gây dựng mọi thứ để chứng tỏ bản thân không phụ thuộc vào gia đình. Tâm lý này rất phổ biến tại Việt Nam, một phần là bởi thói quen nuôi dạy con có phần hơi “kiểm soát” của nhiều bố mẹ.

Tuy nhiên, thứ con thật sự cần ở đây là có một chỗ đứng vững chãi trong xã hội. Điều giúp con chứng minh bản thân không phải sự vất vả, chật vật, mà là sự thông thái khi biết tận dụng mọi nguồn lực bản thân có để chinh phục mục tiêu quan trọng của đời mình.

Giữa bố mẹ và con cái, không thể tránh khỏi giây phút không hòa hợp, không hiểu ý nhau. Nhưng chỉ có bố mẹ và những người thật sự thương yêu con mới có khả năng giúp đỡ con vì chính con. Còn những người ngoài, cho dù họ giúp đỡ con là thật, nhưng chưa chắc họ đã sẵn sàng vì con mà không màng tư lợi.

✔️✔️ Muốn thay đổi nghề nghiệp? Con không cô đơn!

Có rất nhiều bạn trẻ nhận ra mình đã chọn sai hướng đi cho bản thân, nhưng lại không dám dừng lại, không dám thay đổi. Các bạn sợ uổng phí những tháng ngày học tập, nhưng lại không sợ uổng phí cả một tương lai dài phía trước.

Trong thực tế, rất nhiều người không hề làm một nghề duy nhất cả đời. Giống như bà Vera Wang từng từ bỏ sự nghiệp trượt băng nghệ thuật để trở thành “bà tiên váy cưới” hàng đầu thế giới. Hay ở Việt Nam, chắc hẳn các con ai cũng biết ca sĩ Trúc Nhân, anh từng học chuyên ngành thiết kế đồ họa, nhưng hiện lại là một nam ca sĩ trẻ với nhiều ca khúc vô cùng nổi tiếng.

Định hướng nghề nghiệp từ sớm là điều nên làm, nhưng nếu con có lỡ chọn sai thì đó cũng chưa hẳn là dấu chấm hết. Thà đánh đổi một vài năm để nỗ lực làm lại, còn hơn sống đến cuối đời trong ngậm ngùi nuối tiếc. Yêu nghề nhất định sẽ có ngày thành công với nghề!

Quan trọng hơn cả, con không nên nhầm lẫn giữa những kiến thức và kỹ năng với sự nghiệp của bản thân mình. Học là để biết, để mở mang tri thức và phát triển tư duy nhằm giúp con thích nghi với mọi hoàn cảnh công việc. Còn làm là để kiếm sống và cống hiến cho đời. Đừng tự giới hạn bản thân bằng những nỗi sợ mà bỏ qua cơ hội nỗ lực hết sức vì tương lai của mình con nhé!

Đọc thêm: Hướng nghiệp cùng trắc nghiệm tính cách HollandPhân biệt sở thích & đam mê để hướng nghiệp cho con tốt hơn


👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách nuôi dạy và làm bạn với con trên Blog RMIT & Cha mẹ

👉 Tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các phụ huynh khác

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.