Giữa các nhóm cha mẹ từng được đề cập trong bài viết “4 phong cách nuôi dạy con” của RMIT, “cha mẹ đồng hành cùng con” chính là phương pháp tối ưu nhất, nhưng cũng mang tới nhiều thách thức nhất cho các bậc phụ huynh. Bởi vậy, trong bài viết ngày hôm nay, RMIT sẽ cùng cha mẹ tìm hiểu về những việc chúng ta có thể làm để đồng hành cùng con trong chặng hành trình khôn lớn.

1. Ghi nhận cảm xúc của con

Con là một cá thể riêng biệt, nên cũng sẽ có những cảm xúc của riêng mình. Bạn không thể ép con “đừng khóc”, “đừng buồn”, hay “đừng quá tự hào về thành tích nhỏ bé này”. Ngược lại, hãy ghi nhận chúng, và giúp con nhận ra rằng những cung bậc cảm xúc đó ảnh hưởng tới hành vi của con như thế nào. 

Chẳng hạn, khi con phải sang trường mới học vì gia đình mới chuyển nhà đi xa, bạn có thể động viên con rằng: “Mẹ biết con đang rất buồn, vì con nhớ các bạn. Nhưng mình có thể giữ liên lạc qua điện thoại, tin nhắn, và hẹn nhau đi chơi. Chúng ta luôn phải thích nghi với môi trường mới, vì không sớm thì muộn, sẽ đến lúc con phải rời khỏi trường cũ, như là lúc tốt nghiệp chẳng hạn.”

Bạn có thể điều hướng hành vi của con, thay vì yêu cầu con thay đổi cảm xúc của mình. Con có thể buồn, nhưng không có nghĩa là con thu mình không tiếp chuyện các bạn học mới. Con có thể tức giận, nhưng không có nghĩa là con được sử dụng bạo lực với bạn bè. Con có thể tự hào về thành tích của bản thân, nhưng không có nghĩa là con nên mang nó đi khoe khoang với những bạn vừa nhận kết quả kém.

Khi cảm xúc của con được ghi nhận, sự ảnh hưởng của cảm xúc lên hành vi được giải thích kỹ càng, con sẽ dễ dàng chấp nhận “sửa sai” mà không phản kháng hay cảm thấy khó chịu. 

2. Giúp con hiểu những quy tắc mà bạn đặt ra

Cha mẹ đồng hành cùng con sẽ biết “nhu cương” đúng lúc. Bạn nên đặt ra những quy tắc rõ ràng, giúp con xây dựng một cuộc sống ngăn nắp và có kỷ luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bạn cần giải thích được cho con hiểu mục đích phía sau từng quy tắc. Nếu ép con nghe theo vì “mẹ luôn đúng”, con sẽ không phục và tìm mọi cách để “lách luật”. Lúc này, các quy tắc bỗng trở nên phản tác dụng.

Giúp con hiểu đúng về những quy tắc này không khó. Thay vì ra lệnh “Đi ngủ ngay, mẹ bảo ngủ là ngủ!”, hãy thử điều chỉnh một chút như sau: “Quá 12 giờ rồi, con phải ngủ ngay thôi để cơ thể còn tái tạo năng lượng, mai mới minh mẫn học tốt được.” Kể cả khi con tỏ ra chưa muốn nghe lời ngay, ít nhất con cũng hiểu được rằng quy tắc này giúp gì cho chính bản thân mình, và dần dần để ý hơn tới thời gian ngủ nghỉ sao cho khoa học. 

Như vậy, thúc ép không lý do sẽ vô tình biến lời nói của bạn trở nên thiếu trọng lượng trong mắt con. Từ đó, con càng lớn sẽ càng bỏ ngoài tai những mệnh lệnh mà bạn đưa ra. Trong khi ấy, mất vài giây để giải thích cho con hiểu là bạn đã tiến gần hơn tới trái tim của con rồi.

3. Giúp con sửa sai thay vì chì chiết khi con mắc lỗi

Điều đáng sợ nhất đối với mỗi đứa trẻ có lẽ là nghe đi nghe lại những lời cằn nhằn về lỗi sai của mình, hoặc thậm chí là những câu chì chiết nặng nề. Nếu phải tiếp nhận những điều này quá nhiều, khi lớn lên, con có thể sẽ có thói quen đổ lỗi lên mọi người mà không mảy may nghĩ tới việc đi tìm giải pháp phù hợp để xử lý vấn đề.

Bởi vậy, đừng để con phải chịu đựng quá nhiều cảm xúc tiêu cực sau khi mắc lỗi. Bạn không cần phải làm con cảm thấy xấu hổ và tội lỗi thêm nữa vì những gì bản thân gây ra, mà hãy cho chúng biết rằng chúng hoàn toàn có thể sửa lỗi. Con có thể đã làm một việc gì đó không hay, nhưng điều đó không nói lên rằng con là một người xấu. Người tử tế hoàn toàn có thể mắc lỗi, quan trọng là họ biết mình nên sửa chữa điều đó như thế nào.

Ví dụ, nếu con nhận điểm kém trong bài kiểm tra, hãy cùng con phân tích xem điều gì dẫn đến những lỗi sai trong bài. Con đang hổng ở phần kiến thức nào, hay con gặp vấn đề trong việc quản lý thời gian làm bài thi? Bằng cách cùng con phân tích nguyên nhân và vạch ra những giải pháp xử lý để tránh mắc lại các sai lầm, cha mẹ sẽ được con tin tưởng, và cảm thấy an toàn khi chia sẻ những khó khăn của mình.

Trên đây là những nguyên tắc cơ bản mà những cha mẹ thuộc nhóm “đồng hành cùng con” thường dựa vào để linh hoạt ứng phó trước các tình huống xảy đến với con. Dù áp dụng nguyên tắc nào đi chăng nữa, bạn cũng chỉ cần nhớ rằng một khi con cảm thấy được lắng nghe, được thấu hiểu, và được định hướng, con sẽ sẵn sàng cởi mở, chia sẻ và tin tưởng vào những lời khuyên mà cha mẹ đưa ra. RMIT chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời trên chặng đường đồng hành cùng con, và đừng quên chia sẻ cho chúng tôi nhé!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.