3 lý do vì sao các con không nên ngại học online

RMIT dạo gần đây nhận được nhiều trăn trở từ sinh viên tương lai lẫn quý cha mẹ, rằng học online có thật sự đáng hay không và có thật sự hiệu quả như học truyền thống hay không. Câu chuyện về “học online hay học theo lối truyền thống” từ lâu đã luôn là một tranh cãi không hồi kết. Tuy nhiên, đề tài này chỉ thật sự trở nên nóng hổi khi thế giới bước vào thập kỷ mới với một đại dịch toàn cầu chen ngang vào cuộc sống của mỗi chúng ta, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế xã hội và làm đứt đoạn, tắc nghẽn những mô hình đã được con người áp dụng từ rất nhiều năm nay. Ở lĩnh vực giáo dục, RMIT biết rằng chuyện học online không ít thì nhiều vẫn còn khiến chúng ta quan ngại. Dẫu lúc này đã đỡ hơn khoảng 1 năm trước, nhưng RMIT vẫn muốn giúp học sinh và cha mẹ hiểu hơn về tầm quan trọng của việc học online lúc này, rằng chúng ta không thể mãi sợ hãi, dè chừng để chờ đợi mọi thứ trở lại “bình thường” được, mà chúng ta phải chấp nhận học online là một “bình thường mới”, là điều hiển nhiên và tất yếu, là hành trang mà mọi sinh viên tương lai nên chuẩn bị cho mình để chuẩn bị cho tương lai vẫn còn nhiều bất ngờ ở phía trước.

Học online là sự thích nghi tất yếu trước những vô chừng có thể xảy ra

Những ngày đầu khi đại dịch ập đến, chúng ta đều có suy nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ chóng qua như một cơn gió. Thời gian đó, việc thích nghi không phải là một lựa chọn, vì lẽ hiển nhiên không ai muốn hình dung một hay nhiều năm sau đó đại dịch toàn cầu vẫn còn ở sát bên chúng ta. Không ai muốn hình dung mọi sự tắc nghẽn vẫn còn đó. Chúng ta lúc đó tự nhủ: không cần phải thay đổi, hãy cứ tạm thời dừng lại hết cho tới khi mọi thứ được phép hoạt động trở lại.Hơn một năm sau, thế giới vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Tương lai mà chúng ta từng chờ đợi không như chúng ta hình dung. Ngay tại Việt Nam lúc này, COVID-19 tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Những đợt giãn cách triền miên kéo dài là những đòn giáng tâm lý nặng nề cho hy vọng của chúng ta. Và ngay lúc này, chúng ta chỉ có thể chắc chắn một điều về tương lai, đó là “không có gì là chắc chắn cả”. Nếu không thích nghi lúc này thì là lúc nào?

Học online là tự trang bị kiến thức số (digital literacy) cho bản thân

Giữa những ngày lockdown của đại dịch, khi chúng ta bị giam trong 4 bức tường xung quanh, không thể phủ định một trong những thứ đã “cứu rỗi” cả nhân loại chính là “công nghệ số”. Đây chính là yếu tố đã tạo điều kiện cho chúng ta được kết nối, vượt ra khỏi những giới hạn về địa lý. Cũng nhờ thời đại số mà giáo dục đã không còn bị bó buộc trong khuôn khổ những lớp học truyền thống khi chúng ta có thể học online tại nhà. Giữa những sự tắc nghẽn ở nhiều ngành nghề khác nhau, thật may mắn vì chúng ta vẫn được tiếp xúc với giáo dục, với kiến thức. Thật may mắn vì, dẫu thế giới có ngừng lại vì những tác nhân của tự nhiên, chúng ta vẫn có điều kiện để phát triển về mặt tri thức nhờ việc học online. Con em chúng ta vẫn tiến về phía trước và có cơ hội để phát triển về kỹ năng, tri thức.Trong tương lai, học và làm việc online sẽ dần trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của người trẻ ngày nay. Khi cuộc sống dần trở nên bận rộn và người trẻ không thể có mặt ở quá nhiều nơi cùng một lúc, họ sẽ cần tới những kỹ năng và kiến thức số để thao tác hiệu quả, sắp xếp công việc trên một nền tảng của tương lai để khiến cuộc sống bạn dễ dàng hơn.

Online không phải là một “phương thức” mà là một “hệ sinh thái”

Sở dĩ chúng ta nghĩ học online là một phương thức thay thế vì chúng ta vốn dĩ đã quen với việc học truyền thống. Cùng là “học” nhưng việc mở ứng dụng, nghe giọng nói của bạn bè, thầy cô mà không được trực tiếp tương tác dễ trở thành một điều gì đó xa lạ. Tuy nhiên, nếu nghĩ rộng, bạn hãy tưởng tượng rằng “online” thực chất là một cánh cổng để đưa người học vào một thế giới mới, một thế giới có hệ sinh thái đủ đầy của nó, vốn dĩ đã tồn tại rất lâu nhưng đây mới là lúc bạn có điều kiện để khám phá nó một cách đủ đầy.

Nhiều học sinh e ngại rằng các dịch vụ của nhà trường chỉ có thể sử dụng khi được trực tiếp đến trường. Tuy nhiên, ở RMIT, hầu hết các dịch vụ của nhà trường vốn dĩ không chỉ tồn tại dưới dạng “offline” mà còn có phiên bản “online”, tiện lợi, đủ đầy và hữu dụng không kém! Thư viện, phòng tư vấn hướng nghiệp, phòng tư vấn sức khỏe học đường, các dịch vụ hỗ trợ sinh viên và cả việc tham vấn với các phòng ban, các giảng viên đều có thể được truy cập online. Trong những dịch vụ trên, RMIT không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của phòng tư vấn sức khỏe học đường (Wellbeing), nơi mà các sinh viên của trường có thể đặt hẹn bất cứ lúc nào cần người chia sẻ, lắng nghe để giãi bày những căng thẳng tâm lý trong những ngày khó khăn. Vì vậy có thể nói, giáo dục online đã và luôn là một thế giới chào đón các bạn từ lâu và sẽ sẵn sàng mở rộng cánh cửa để các tân sinh viên tập thích nghi một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Đọc thêm chuỗi bài viết “Dịch vụ ảo, tác dụng thật” tại ĐÂY

Tương lai của thế giới là số hoá, là digital transformation. Học online không những là cách nhanh nhất và là bàn đạp vững chãi để chúng ta bước vào tương lai mà còn giúp chúng ta không ngừng tiến về phía trước, tiếp tục trau dồi bản thân, khai mở tri thức. Quan trọng hơn nữa là nếu có một ngày không xa đại dịch thật sự đã chấm dứt (điều mà chúng ta ai cũng khao khát!), xã hội và thế giới sẽ cần một đội ngũ nhân lực hùng hậu để đóng góp, xây dựng và sẵn sàng khôi phục lại kinh tế, xã hội lẫn văn hoá. Mong quý cha mẹ có thể giúp các bạn hiểu rằng các bạn chính là những đầu tàu sẽ giúp đỡ đất nước và xã hội rất nhiều trong vài năm tới, và vì thế chúng ta phải luôn tiến về phía trước, thích ứng với thời cuộc và không ngừng trang bị tri thức cho bản thân.


Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.