Cách đây hơn chục năm, tài chính là một trong những nhóm ngành rất thịnh hành do sự phát triển của ngân hàng và thị trường chứng khoán. Nhiều người cho rằng ngành tài chính hiện nay “đã hết thời”. Tuy nhiên trên thực tế, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mở đường cho sự lên ngôi trở lại của lĩnh vực tài chính, khiến đây một lần nữa lại là lựa chọn hàng đầu cho các tân sinh viên.
1. Nhu cầu đối với các mô hình tài chính mới đang mở rộng
Nền kinh tế kỹ thuật số đang tạo nên nhiều cải tiến tiện ích khác nhau cho cuộc sống. Theo đó, ngành tài chính cũng có những bước phát triển đáng kể với nhiều mô hình và sản phẩm ứng dụng công nghệ mới mẻ, nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao ấy.
Trong đó, nổi bật phải kể đến xu hướng Fintech (viết tắt từ “financial technology” – các công nghệ được ứng dụng trong ngành tài chính). Với Fintech, nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hóa đã xuất hiện như ví điện tử, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, ngân hàng chuỗi khối, ngân hàng số… Không chỉ vậy, sự đổi mới trong ngành tài chính còn nhận được quan tâm của chính phủ với với các chính sách như định hướng chuyển đổi số cho hệ thống ngân hàng hay xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh dành cho các hoạt động dịch vụ Fintech.
Chính vì vậy, cơ hội nghề nghiệp của các sinh viên ngành tài chính đang lớn hơn bao giờ hết. Các con có thể chọn làm việc ở nhiều môi trường – từ ngân hàng, khối hoạch định chính sách, các công ty đầu tư đến các dự án startup, với nhiều vị trí đa dạng theo đúng sở thích và khả năng của mình.
2. Công việc ngày càng thử thách và hấp dẫn hơn
Không chỉ mở rộng về số lượng vị trí, lĩnh vực tài chính đang ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu đặc biệt hơn cho các ứng viên của mình. Bởi lẽ, ngành tài chính Việt Nam đang thực sự “khát” nhân tài. Có thể thấy, ứng dụng công nghệ trong ngành tài chính trong nước hiện chủ yếu mới chỉ tập trung ở ba dịch vụ: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng. Các lĩnh vực khác như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính tự động vẫn đang trong quá trình sơ khai.
Để khai phá mảnh đất tiềm năng này, các công ty tài chính rất chú trọng vào việc tuyển dụng và phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao của mình với những đề nghị về chế độ lương thưởng, cơ hội phát triển cực kỳ hấp dẫn. Đây cũng là một trong những lí do khiến nhiều bạn trẻ từ các trường đại học hàng đầu thế giới sau khi tốt nghiệp quyết định quay về Việt Nam làm việc. Có thể nói, đây chính là cơ hội dành cho thế hệ của các con – những nhân sự vừa được đào tạo bài bản về chuyên môn, vừa có vốn tiếng Anh và khả năng nắm bắt các tiến bộ công nghệ nhanh chóng.
3. Khả năng mở rộng sang nhiều lĩnh vực đa dạng
Khi đi cùng công nghệ, ngành tài chính trở thành một trụ cột không thể thiếu trong bất cứ doanh nghiệp nào, đặc biệt là với các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử. Nhờ vậy, con có thể tự tin rằng những kiến thức và kĩ năng đã học được sẽ giúp con có cơ hội làm việc tại bất cứ tổ chức nào mà mình mong muốn.
Tại RMIT, khi theo học ngành Kinh tế – Tài chính, con bạn sẽ được trang bị kỹ năng phân tích tài chính – kinh tế cấp cao, song song với việc phát triển kiến thức và kỹ năng tiên tiến trong các lĩnh vực đang là xu hướng. Các môn học mới thuộc lĩnh vực kinh tế blockchain, tài chính điện tử, tiền tệ mã hoá được đưa vào chương trình học từ năm 2020 sẽ giúp con bắt kịp với tương lai của nền kinh tế – tài chính
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, con cũng sẽ được phát triển hàng loạt kỹ năng mềm, giúp giao tiếp hiệu quả và chuyên nghiệp với các khách hàng và đồng nghiệp tại môi trường làm việc và dễ dàng thích nghi với các biến chuyển của thị trường.
Đây chính là chìa khóa giúp con bước vào một ngành tài chính đang đổi thay từng ngày một cách vững vàng nhất.