3 lợi ích của một môi trường học đã văn hoá

Đại học RMIT là một môi trường học tập đa văn hoá. Giảng viên của trường đến từ 32 quốc tịch khác nhau cũng như từng học và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới. Lượng sinh viên quốc tế trong trường chiếm 10%, gồm các sinh viên của cả bậc cử nhân và thạc sĩ, đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Pháp, Anh, Đức, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Bản thân sinh viên Việt Nam trong trường có nhiều cơ hội tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa, khóa học kỹ năng mềm và chương trình du học ngắn ngày hay trao đổi học tập toàn cầu. Được học tập trong một môi trường đa văn hoá đem đến cho sinh viên những lợi ích thế nào?

1. Bức tranh toàn cảnh

Văn hoá là một khái niệm có vẻ trừu tượng và xa vời, nhưng sức ảnh hưởng của văn hoá lên chúng ta rõ nét hơn mọi người tưởng. Đi làm ở công ty nước ngoài nhiều năm, có thể bạn nghĩ mình tiến bộ cởi mở và không quan trọng văn hoá truyền thống Việt Nam nữa, nhưng nghĩ lại xem, có rất nhiều “khung sườn” tư tưởng rất Việt Nam mà bạn không muốn thay đổi. Văn hoá định hình khá nhiều giá trị sống của chúng ta, sự đúng và sai, bình thường và bất thường…

Nhưng cái bất lợi là khi ở trong một nền văn hoá quá lâu, chúng ta tin rằng lối sống của mình là chân lý, dễ dẫn đến phán xét khi người khác sống không giống mình, khiến tư tưởng cứng nhắc và khó thay đổi. Vậy nên khi được tiếp xúc với các nền văn hoá khác, thấy được những khác biệt của họ, chúng ta biết là có những cách sống khác, chúng vẫn có giá trị riêng, và điều đó không sao cả.

Có những điều ở nền văn hoá này coi là tối quan trọng, thì ở nền văn hoá khác lại chẳng là gì. Có những thứ ở nước này bị xem là xấu, nước khác lại cho là tốt. Sự tiếp xúc, giao thoa này thử thách những tư tưởng và niềm tin của sinh viên, cho các em quan sát lối sống của mình một cách khách quan và nhẹ nhàng hơn.

2. “Biết ta” hơn khi “biết người”

Ở trong một môi trường đa văn hoá là cách rất tốt để chữa bệnh “sính ngoại”. Một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ Việt Nam khá tự ti về văn hoá của mình và cho rằng văn hoá Tây phương mới là tối ưu. Thế nhưng khi tiếp xúc với các nền văn hoá Âu Mỹ trong môi trường đại học, nơi mà các bạn thường xuyên được phản ánh, đối chiếu với bản thân mình, các bạn sẽ thấy cả phương Đông và phương Tây đều có những điểm mạnh cũng như điểm yếu.

Ví dụ, các bạn ngưỡng mộ văn hoá phương Tây khi con cái có quyền tự do làm bất cứ điều gì mình muốn, thì giờ đây các bạn được biết thêm ở phương Tây con cái phải tự lập từ rất sớm. Các bạn hầu như phải tự vay tiền chính phủ đi học đại học và sau này có việc làm phải trích lương trả nợ, không như các bạn Việt Nam được ba mẹ “tài trợ” học phí toàn phần và ra trường không nợ nần. Có thể lúc đó, các bạn sẽ thấy mình cũng may mắn khi là người Việt Nam.

Dĩ nhiên, chúng ta không tự tâng bốc nền văn hoá của mình là tốt nhất, vì đó là lại là thái cực tai hại khác như sính ngoại. Nhưng khi học tập trong một môi trường đa văn hoá, các bạn sẽ không còn nhìn các nền văn hoá là trắng đen, tốt xấu rạch ròi nữa, mà sẽ hiểu rằng văn hoá là những mảng màu đa dạng, sáng tối đan xen, được này mất kia, và điều đó là bình thường.

3. Chuẩn bị cho mai sau

Thế giới đang ngày một phẳng hơn, sự hội nhập và giao thoa văn hoá là điều không thể tránh khỏi. Sự hiểu biết và kinh nghiệm tiếp xúc với các nền văn hoá khác cho các bạn trẻ cơ hội và sự tự tin khi bước vào những tập đoàn lớn với môi trường làm việc đa quốc gia. Vì vậy việc học tập ở một trường đại học đa văn hoá là bước chuẩn bị cần thiết và thực tế.

Trên đây chỉ là vài lợi ích chính trong số rất nhiều lợi ích mà môi trường học tập đa văn hoá đem lại cho sinh viên. Nhưng ngoài môi trường ra, điều quan trọng nữa là các bạn sinh viên phải sẵn lòng đón nhận những “thế giới mới” này và tận dụng cơ hội học hỏi, thì môi trường học tập đa văn hoá mới phát huy hết tác dụng. Vì vậy, một lời nhắn nhỏ dành cho các tân sinh viên sắp bước vào môi trường học tập đa văn hoá, các bạn hãy mở lòng học hỏi hết mình nhé.

Giang Trần

Comments

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.