Trong sáu đội chiến thắng cuộc thi trường học tuần hoàn Circular Campus Programme năm nay, có tới ba đội đến từ Đại học RMIT ở Việt Nam. Ý tưởng của các bạn cho các trường đại học ở Việt Nam cũng như những nơi khác những giải pháp đổi mới sáng tạo và bền vững để giải quyết các thách thức đô thị cấp bách và giúp họ tăng tốc chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn.

Ba đội thắng cuộc từ cuộc thi trường học tuần hoàn Circular Campus Programme năm nay gợi ý cho các trường đại học những giải pháp đổi mới sáng tạo và bền vững để giải quyết những thách thức đô thị cấp bách và giúp họ tăng tốc chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn ngay trong trường và xa hơn thế nữa.

Biến giấy bỏ đi thành mực in

Làm thế nào để cho giấy bỏ đi một vòng đời hữu dụng khác? Đội Hay Day gồm bốn sinh viên từ Khoa Kinh doanh và Quản trị là Diệp Phan Anh Tài, Hùng Huệ Lan, Nguyễn Phan Quốc Duy, và Nguyễn Thái Minh Thư đã đề xuất dùng INKIE – một giải pháp biến giấy thành một thành phẩm bền vững hơn, đồng thời giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Mô hình kinh doanh mà nhóm Hay Day đề xuất tích hợp hai mô hình đổi mới gồm: trạm sản xuất mực in và một hệ thống thu gom giấy đã qua sử dụng.

Giấy thu gom sẽ được biển đổi thành mực in màu xanh bằng công nghệ sinh học biến giấy thành than sinh học – một vật liệu rắn thu được từ quá trình chuyển đổi nhiệt hóa sinh khối trong môi trường hạn chế oxy. Sản phẩm cuối cùng sẽ được chuyển đến trạm in, nơi đồng thời có thể thu thập giấy in đã qua sử dụng cho một vòng hoạt động mới – vòng tuần hoàn bắt đầu từ đây và sẽ tiếp diễn.

Nhóm tin rằng ý tưởng của các bạn có thể tạo ra tác động tích cực trên cả ba mặt: xã hội, môi trường và kinh tế.

“Từ hệ thống thu gom giấy bỏ đi ở trong trường, INKIE có thể giúp tăng nhận thức của sinh viên về việc phân loại giấy và thúc đẩy các bạn hình thành thói quen tái chế”, nhóm cho biết.

“Chúng tôi ước tính INKIE có thể giảm khoảng hơn 18 tấn carbon thải ra môi trường từ việc đốt rác, cũng như giảm không gian chôn lấp đáng kể hằng năm. Với mực in thân thiện môi trường này, INKIE có thể giúp giảm muội than dùng trong quy trình sản xuất mực in thương mại hiện tại, vốn là vấn đề môi trường toàn cầu tác hại tiêu cực lên cả sức khoẻ con người lẫn khí hậu”.

Theo nhóm, INKIE sẽ giảm chi phí mà chính phủ phải dành để giải quyết rác thải từ giấy ở các bãi chôn lấp và giảm giá thành in ấn cho trường về dài hạn.

Chuyển động năng xe máy thành điện năng

Đội Dark Horse gồm ba sinh viên RMIT là Huỳnh Duy Thông, Phan Ngọc Xuân Mai, và Huỳnh Nhật Đăng đã đưa ra ý tưởng tạo một hệ thống hàng rào đậu xe máy có thể biến năng lượng từ xe máy của sinh viên thành điện năng sử dụng cho chính ngôi trường của các bạn.

“Hằng ngày có rất nhiều năng lượng được sinh viên và cán bộ giảng viên sử dụng để đến trường. Trong các sáng kiến giảm xả thải trong trường, tái chế năng lượng vẫn chưa được cân nhắc đến”.

Nhóm đã đề xuất một thiết bị chuyển đổi năng lượng có thể gắn vào xe máy để chuyển động năng thành điện năng dùng trong trường. Sau khi gắn vào xe, thiết bị này sẽ lưu trữ năng lượng tạo ra từ chuyển động xoay tròn bánh xe và thắng xe vào pin. Khi sinh viên đến trường và đỗ xe máy vào bãi, năng lượng sẽ được tái phân phối vào lưới điện của trường, cung cấp đủ năng lượng sạch dùng trong các lớp học.

Nhóm Dark Horse kỳ vọng rằng điện năng tạo ra từ hệ thống mà nhóm đề xuất “có thể đóng góp khoảng 20% vào toàn bộ lượng điện trường sử dụng và hy vọng rằng các trường đại học khác ở Việt Nam cũng có thể tích hợp hệ thống này”.

“Ngoài ra, khi hệ thống được đưa vào sử dụng, sẽ có nhiều sinh viên ý thức hơn về tình hình leo thang từ khí thải xe cộ và chuyển sang lựa chọn hình thức di chuyển ít ô nhiễm hơn.”

Tái sử dụng rác thải nhựa và dùng cho máy in laser

Ba sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm Đoàn Lương Hoàng, Thái Mạnh Phi và Phạm Thành Nam của đội RMIT RIPS đưa ra ý tưởng nhằm khiến cho rác thải nhựa một cuộc sống ý nghĩa khác khi trở thành một vật liệu tái chế dùng cho máy cắt và in laser.

Hoàng cho biết: “Một lượng rất lớn rác thải nhựa trong trường được tạo ra từ các mảnh nhựa thừa từ các dự án in 3D và các mô hình cũ/lỗi. Các phế phẩm nhựa này không được tái sử dụng hay tái chế, thay vào đó lại bị quăng vào thùng rác. Trong khi đó chi phí nguyên liệu cho máy in 3D và cắt laser khá đắt đỏ và nhiều sinh viên (trong đó có sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm như chúng tôi) lại dùng các máy móc này rất nhiều”.

Nhóm giới thiệu một dịch vụ tái chế rác thải nhựa công nghiệp trong trường và biến chúng thành vật liệu thô dùng cho máy cắt laser.

“Chúng tôi sẽ thiết lập hoặc mua một cỗ máy làm chảy và xử lý nhựa, một số khuôn/máy đùn định hình nhựa nung chảy và một số vật dụng khác như hoá chất và dụng cụ”.

“Rác thải nhựa được phân loại thành có thể tái sử dụng và không thể tái sử dụng. Nhựa tái sử dụng sẽ được tháo rời ra từng mảnh và đặt cắt nhỏ của máy, sau đó sẽ thêm hoá chất, thuốc tẩy và khuôn hay máy đùn thích hợp. Nhựa được cắt nhỏ, nấu chảy và xử lý bằng hóa chất, sau đó được đưa ra khuôn để tạo hình, và sẵn sàng để sử dụng sau khi được làm nguội”.

Nhóm tin rằng ý tưởng của các bạn sẽ giúp trường tiết kiệm chi phí đáng kể trong việc mua sắm nguyên liệu mới cho các quy trình này.

“Hầu hết nguyên liệu đều nhập khẩu và rất tốn kém”, Hoàng nói. “Điều này còn nâng cao danh tiếng cho trường và giúp sinh viên trường nghĩ về vấn đề tuần hoàn”.


👉 Khám phá các ngành học, dịch vụ hỗ trợ sinh viên miễn phí cùng các tin tức mới nhất về Đại học RMIT tại chuyên mục Tìm hiểu RMIT

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.