“Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, “trường học tạm thời đóng cửa”, “học sinh các cấp chuyển sang học online”, “học sinh cuối cấp ôn thi qua truyền hình”, …
Những thông tin đăng tải liên tục để theo kịp diễn biến dịch bệnh; những thay đổi về hình thức học, lịch thi có thể được cập nhật bất kì lúc nào; những xáo trộn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày; tất cả những thay đổi dồn dập này khiến ai trong chúng ta cũng dễ dàng rơi vào trạng thái căng thẳng. Với các con học sinh cuối cấp, đặc biệt là các con lớp 12 chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, căng thẳng có thể nhân lên do áp lực từ kì thi quan trọng.
RMIT & Cha Mẹ xin giới thiệu với cha mẹ bài viết dưới đây của Thạc sỹ Tâm lý Phạm Thanh Mai, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên, Đại học Toulouse Jean – Jaurès, CH Pháp, một trong những tham vấn viên tâm lý được sinh viên vô cùng yêu mến tại Đại học RMIT, cơ sở Hà Nội, nhằm phần nào giúp cha mẹ đồng hành với con vượt qua giai đoạn căng thẳng này.
Các dấu hiệu cho thấy con đang căng thẳng
Thay đổi gắn liền với sự không chắc chắn. Không chắc chắn gắn liền với những mối đe dọa có thể xảy ra cho sự an toàn và đôi khi cả tính mạng của chúng ta. Não bộ chúng ta, vì thế, nhìn nhận sự mơ hồ, thiếu chắc chắn như một mối hiểm nguy và sẽ lập tức kích hoạt phản ứng căng thẳng (stress response) khi đối diện với thay đổi. Với các con học sinh cuối cấp đang đứng trước một bước chuyển mình lớn, việc cảm thấy căng thẳng và lo âu là điều khó tránh khỏi, nhất là khi tình hình lại có thể có thay đổi mới bất kỳ lúc nào. Bằng cách quan sát, cha mẹ có thể nhận ra các dấu hiệu ở nhiều mặt cho thấy con mình đang trải qua khó khăn:
Trong nền nếp sinh hoạt: chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bất thường, giờ giấc ngủ bị đảo lộn, khó ngủ; bỏ quên việc chăm sóc bản thân hay việc vệ sinh cá nhân cơ bản
Việc gia đình hiểu và có những chiến lược hỗ trợ phù hợp để giúp các con thích nghi với thay đổi và điều hòa căng thẳng là điều hết sức cần thiết. Xin giới thiệu với phụ huynh 3 chiến lược hữu dụng để đồng hành cùng con qua giai đoạn nhiều biến động này.
Chiến lược 1: Chấp nhận sự thay đổi
Tình hình mới chắc chắn dẫn đến việc lịch sinh hoạt của gia đình bị xáo trộn. Hãy thử phân tích tình huống sau: con không phải đến trường và đang ngủ cố vào buổi sáng, cha mẹ thì đang vội đi làm và vẫn muốn đảm bảo con dậy học online đúng giờ. Rất có khả năng cha mẹ sẽ cáu giận và quát con “lúc nào cũng thức khuya xong sáng không dậy. Giờ không dậy thì học hành gì. Dậy ngay đi”.
Việc cha mẹ cáu và quát như vậy hoàn toàn có thể hiểu được. Thế nhưng, nó cũng là biểu hiện cho việc thiếu sự chấp nhận và linh hoạt trong tình hình mới. Vì sao?
Bởi lẽ, nếu nhìn lại, cha mẹ có thể hiểu vì sao mà con có xu hướng ngủ cố như vậy khi được trao cơ hội. Lịch học dày, bài luyện thi khó, căng thẳng thường xuyên,… những điều trên chắc chắn dẫn đến việc cả cơ thể và não bộ của con đều có thể bị quá tải và con cần ngủ.
Với nhiều bạn, việc căng thẳng và lo âu dẫn đến các bạn cố học khuya hay khó ngủ vào buổi tối. Tất yếu có khả năng các bạn sẽ ngủ ngày. Điều này không phải để biện minh cho các con mà là để phụ huynh có hình dung hơn về những gì con mình có thể đang trải qua và bình tĩnh chấp nhận hơn khi vấn đề thực sự nảy sinh.
Khi phụ huynh chấp nhận rằng đó là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra và nó có lý do để xảy ra như vậy (như cách chúng ta vừa phân tích), phụ huynh sẽ có cách tiếp cận phù hợp hơn cho tình huống, để cả cha mẹ và con đều bớt căng thẳng với nhau.
Một vài gợi ý ở đây có thể là:
Trên đây chỉ là một ví dụ để cha mẹ hiểu hơn chấp nhận là gì và được thể hiện ra sao trong đời sống. Về cơ bản, chấp nhận là hiểu rằng khi tình huống xảy ra, nó là như vậy và nó có lý do để xảy ra như vậy. Hạn chế chỉ trích và đổ lỗi. Thay vào đó, bình tĩnh hơn để phân tích và tìm ra cách tiếp cận tình huống một cách phù hợp nhất. Bằng cách thay đổi tư duy và hành vi của mình, cha mẹ đang làm mẫu cho con cách chấp nhận và đối diện với tình huống mới.
Chiến lược 2: Cùng con làm bạn với những cảm xúc không dễ chịu
Chấp nhận không có nghĩa là cha mẹ không bao giờ được cáu giận hay cảm thấy tệ với con! Chấp nhận cũng chính là hiểu và lắng nghe cảm xúc của chính mình về những tình huống khó khăn đang xảy ra.
Điều đó có nghĩa chúng ta không cần phải tỏ ra tích cực trong các tình huống đang khiến chúng ta khó chịu. Có thể cha mẹ sẽ nhận ra chúng ta đều làm điều này khá thường xuyên, từ chối cảm nhận hay né tránh các cảm xúc không dễ chịu. Khi chúng ta lo lắng nhưng lại nói “có gì đâu mà phải lo”, chúng ta đang phủ nhận sự lo lắng. Khi con nói con chán nản nhưng chúng ta nói “có gì mà chán, phải ý chí lên chứ”, đó là khi chúng ta đang phủ nhận cảm xúc thật của con và vô tình dạy con phủ nhận cảm xúc của chính mình.
Vì sao điều này về lâu dài không có lợi? Bởi cảm xúc cũng chính là một kênh thông tin giúp chúng ta hiểu chuyện gì đang xảy ra. Né tránh cảm xúc không dễ chịu cũng giống như chúng ta nghe chuông báo cháy mà làm ngơ – chúng ta sẽ không bao giờ thực sự hiểu vì sao như vậy, do đó không giải quyết tình huống kịp thời.
Vậy cha mẹ có thể làm gì?
Hãy lắng nghe khi con nói về những cảm xúc của con. Chú tâm vào những gì con nói. Đừng vội phán xét xem con nên hay không nên cảm thấy như vậy. Thay vào đó, hãy hỏi con vì sao con cảm thấy như thế.
Đôi khi nếu con không chủ động nói ra nhưng cha mẹ nhận thấy dấu hiệu xáo trộn cảm xúc của con, hãy chủ động hỏi và cởi mở với con: “Con có vẻ lo lắng. Điều gì khiến con lo lắng vậy?”.
Bằng việc chấp nhận và lắng nghe các cảm xúc không dễ chịu, chúng sẽ được xoa dịu. Đôi khi đó là chìa khóa giúp cha mẹ phát hiện ra những vấn đề khác mà lâu nay mình không biết con đang phải trải qua và có cách giúp con kịp thời.
Chẳng hạn như con lo lắng việc học online không hiệu quả vì phòng con bị ồn, mà con lại ngại không hỏi lại cô, sợ phiền các bạn. Nếu phát hiện ra nguyên nhân này đằng sau sự lo lắng của con, có thể cha mẹ và con sẽ có một cuộc thảo luận rất hữu ích để làm sao khắc phục các vấn đề và giúp con giảm lo lắng.
Chiến lược 3: Làm những gì có thể, từng bước một
Khi lo lắng, tâm trí chúng ta có xu hướng “du hành vào tương lai”, hình dung ra bao nhiêu viễn cảnh có thể xảy ra, mục đích chính vẫn là để tìm cho ra một sự chắc chắn nhất định nào đó. Nhưng cùng với đó là việc chúng ta không còn tâm trí để thực sự tập trung vào những đầu việc cần làm trong thời điểm hiện tại.
Với các con, đó có thể là việc các dòng suy nghĩ “chạy mòng mòng trong đầu” về biết bao các phần kiến thức phải ôn cùng với các câu hỏi về việc liệu kì thi sẽ diễn ra thế nào, có những thay đổi gì tiếp theo…
Trong tình huống này, điều phụ huynh có thể làm là giúp các con tập trung trở lại với các đầu việc cần làm ở hiện tại:
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ hữu ích cho cha mẹ trong việc đồng hành cùng con qua giai đoạn cuối cấp!
Đọc thêm các bài viết liên quan:
👉 Cha mẹ có thể làm gì để giúp con vượt qua áp lực năm lớp 12?
👉 Triết lý Sisu – giải pháp hiệu quả giúp vượt qua áp lực tuổi teen