3 cách giúp con kiểm soát tốt những mối quan hệ khi trưởng thành

Thời gian trôi qua, con người ai ai rồi cũng sẽ phải trưởng thành. Đối mặt với điều đó là sự thay đổi trong các mối quan hệ. Càng lớn, các mối quan hệ quanh ta càng mở rộng và phức tạp hơn, không còn giữ được sự đơn thuần, trong sáng như thuở ban sơ nữa. Nếu như ta không kịp thời thích nghi với sự thay đổi này, có lẽ sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt thòi cho chính bản thân và những người ta yêu thương.

Chắc hẳn các bậc cha mẹ đều mong muốn được chia sẻ với con cái mình những kinh nghiệm sống quý báu mà chúng ta đã đúc kết. Tuy nhiên, ở một số giai đoạn trong con đường trưởng thành của con cái, không phải cha mẹ nào cũng có thể đồng hành, chia sẻ cùng con.

Với khát khao khẳng định bản thân mạnh mẽ, một số bạn thường không muốn bố mẹ can thiệp vào cuộc sống của mình. Có những giai đoạn con bắt buộc phải rời xa vòng tay của cha mẹ để tự đối mặt với những thách thức như vậy. Thấu hiểu những trăn trở của cha mẹ trong giai đoạn con mới lớn, trong bài viết ngày hôm nay RMIT xin được chỉ ra 3 điều cốt lõi và một số gợi ý nhằm giúp cha mẹ có thể gần con hơn để hướng dẫn con kiểm soát tốt những mối quan hệ trong cuộc sống của hiện tại và sau này.

Duy trì các mối quan hệ thân thiết vốn có

Điều đầu tiên có thể kể đến chính là mối quan hệ với gia đình. “Cho dù có bất kỳ điều gì xảy ra trong cuộc sống, cha mẹ vẫn luôn ở bên con”, “Cha mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe con” – đây chắc chắn là 2 câu nói mà cha mẹ cần lặp đi lặp lại nhiều nhất có thể, bằng tất cả lòng yêu thương và chân thành, với những người con thân yêu của mình.

Dù cuộc sống của người trưởng thành đôi khi có thể khiến cha mẹ trở nên căng thẳng và cảm thấy khó mở lời, song, chừng nào còn nỗ lực trong việc giao tiếp và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với con thì cha mẹ mới có thể kịp thời hỗ trợ khi con mất phương hướng. Việc chú trọng các hoạt động chia sẻ trong gia đình như bữa cơm đầm ấm, chuyến đi dã ngoại, v.v… ở thời điểm hiện tại cũng sẽ trở thành chuẩn mực giúp con noi theo và duy trì suốt cuộc đời con về sau.

Mối quan hệ tiếp đó, chính là những người bạn thân thiết của con khi con còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Họ đều là những người mà con hiểu và tin tưởng, cũng chính là người sẽ sẵn sàng ở bên con không tính toán cho đến mãi về sau. Có thể cuộc sống trưởng thành khiến cho các con phải xa cách về mặt địa lý, nhưng con nên gìn giữ họ bên mình thông qua sự quan tâm nho nhỏ vào các thời điểm đặc biệt trong năm như năm mới, sinh nhật, hay ngày lễ, v.v…

Ở vị trí là phụ huynh, cha mẹ có thể giúp đỡ con bằng cách quan tâm và đối xử thân thiện tới những người bạn thân của con. Biết rằng cha mẹ nào cũng muốn con mình chơi cùng những người bạn tốt, nhưng là những đứa trẻ thì ai cũng cần thời gian để trưởng thành. Thứ quý báu nhất chính là sự đồng hành và thấu hiểu lẫn nhau giữa con và những người bạn ấy, mong rằng cha mẹ cũng sẽ hiểu được điều đó và không vội phán xét bất cứ ai. 

Mở rộng quan hệ một cách thận trọng và khôn ngoan

Càng bước chân vào cuộc sống của những người trưởng thành, con sẽ càng phải tiếp xúc thường xuyên với những người đến từ nhiều môi trường khác nhau. Con sẽ nhận ra rằng không phải ai cũng đơn thuần như trước. Nhiều người sẽ không ngại lợi dụng con vì lợi ích của bản thân mình. Chính vì thế con cần sáng suốt, tỉnh táo để có cái nhìn đúng đắn về đối phương.

Những lúc này cha mẹ cũng cần sử dụng những kinh nghiệm của mình khi tâm sự với con và cùng con đánh giá về các mối quan hệ mới nếu có cơ hội. Đồng thời cha mẹ cũng cần khéo léo để không làm tổn thương đến lòng tự trọng của con bằng cách đưa ra những chỉ dẫn, phương án khác nhau, sau đó để con tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm với điều đó.

Cha mẹ có thể chỉ ra những yếu tố khác nhau để nhận biết một mối quan hệ là tốt hay xấu. Ví dụ một người luôn quan tâm đến cảm nhận của con, cẩn trọng trong lời nói, sẵn sàng giúp đỡ, đối xử tốt và tạo cơ hội cho con ngay cả khi đang gặp khó khăn, cho con cơ hội sửa sai và trưởng thành, v.v… đó chắc chắn là những người đáng trân trọng. Ngược lại, những người luôn đặt lợi ích của bản thân lên đầu, thường xuyên than vãn, chỉ trích người khác, hoặc bằng cách nào đó khiến con cảm thấy tệ về bản thân, thì có thể xem xét là những mối quan hệ không đáng để bận tâm.

Sẽ có những lúc con bị cuốn vào vòng xoáy của các mối quan hệ phức tạp, con cảm thấy khó khăn để phân biệt tốt xấu. Song, một khi đã có cảm giác tiêu cực thật rõ ràng đến từ mối quan hệ nào đó, thì con cũng nên cố gắng thoát ra và giữ khoảng cách để đứng ngoài quan sát. Làm vậy, con sẽ vạch ra được những điều mình mong muốn từ những mối quan hệ ấy trong sự sáng suốt và lựa chọn cách ứng xử sao cho phù hợp về sau. 

Phân bổ quỹ thời gian quý báu phù hợp cho từng mối quan hệ

Một ngày có 24 giờ, mỗi ngày con dành 8 tiếng để đi ngủ, khoảng 8 tiếng hoặc hơn để làm việc, đâu đó tầm 2 tiếng dành cho những nhu cầu cần thiết của cá nhân. Con còn lại từ 5 đến 6 tiếng dành cho bản thân, gia đình và các mối quan hệ. Để chia 6 tiếng ít ỏi đó cho tất cả những người mà con thương yêu thì quả thật là chuyện không tưởng. Đôi khi, dù không muốn nhưng con sẽ phải nói rằng “Xin lỗi, mình đang bận. Để khi khác nhé!”.

Là người trưởng thành, chắc hẳn cha mẹ hiểu hơn ai hết điều này: khi lớn lên, người xa lạ thì chẳng đếm xuể, người thật sự mong mình hạnh phúc thì chẳng có bao nhiêu. Ai cũng sẽ tập trung vào bản thân mình và những người quan trọng nhất với họ mà thôi.

Cuộc đời không quá dài để ta có thể quan tâm hết tất cả mọi người. Chính vì vậy con cần có sự phân chia rõ ràng rằng đâu là gia đình, đâu là bạn đời, đâu là bạn bè thân thiết hay đồng nghiệp tốt, đâu là những người chỉ nên duy trì xã giao, v.v… Từ đó, con sẽ có sự phân bổ thời cũng như tâm sức một cách hợp lý.

Có thể đôi khi con sẽ tỏ ra không muốn lắng nghe, nhưng cha mẹ hãy cứ chia sẻ với con mọi trải nghiệm của mình để con có sự tham khảo chân thật nhất, chắc chắn con vẫn sẽ ghi nhớ và chúng sẽ hữu ích với con vào một thời điểm nào đó. Cuối cùng, điều quan trọng nhất cha mẹ có khả năng giúp con chính là chỉ ra hệ quả của sự sao nhãng và sử dụng thời gian không hợp lý với các mối quan hệ. Đừng để đến cuối cùng, người ở bên con lại không phải là những người quan trọng nhất. 


👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách nuôi dạy và làm bạn với con tại ĐÂY

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.