3 cách dạy con nuôi dưỡng những tình bạn tuổi học đường

Mỗi lần con chuyển cấp, cha mẹ lại được chứng kiến một “màn chia tay” lâm li của các cô cậu 15, 17 tuổi này. Thế nhưng, khi bước vào ngôi trường mới, bận rộn với những lịch trình, dự định của riêng mình, những người bạn cũ cứ ngày một phai dần trong các mối quan tâm của con. Vậy, làm thế nào để cha mẹ có thể giúp con duy trì và nuôi dưỡng những tình bạn học đường chân thành, đẹp đẽ này? Bài viết này sẽ đem tới 3 gợi ý thú vị và đơn giản để cha mẹ có thể “quân sư” cho con.

Những món quà bất ngờ

Tặng quà là một trong những kĩ năng giao tiếp và phát triển quan hệ cơ bản. Con có thể gửi tặng bạn vào sinh nhật, vào ngày kỉ niệm của nhóm, khi bạn đạt được một thành tích lớn. Thậm chí, “chẳng có dịp gì cả” cũng là một lí do rất duyên dáng và tự nhiên cho những món quà như thế này. “Quà học sinh” nên “đúng kiểu” học sinh. Một cuốn sách ôn thi IELTS, chiếc vòng từ đợt nghỉ hè bên bờ biển, cuốn sổ tay để lập kế hoạch mỗi ngày, tất cả đều chẳng đắt đỏ chút nào mà rất hữu ích và đáng yêu.

Tin nhắn và thư tay

Xét về khoản nuôi dưỡng “tình bạn thời công nghệ”, có lẽ các con có bạn bè đi du học “rành” hơn cả. Chênh lệch múi giờ nhiều khi đến mười mấy tiếng, các con phải hẹn nhau trước, giờ đứa này sắp đi ngủ thì đứa kia tranh thủ ăn nhanh bữa trưa, bật Facetime, Skype hay Messenger, nhìn thấy nhau, trò chuyện, kể lể. Biết được điều này, nhiều cha mẹ cũng không còn phàn nàn chuyện con thi thoảng thức đến 1, 2 giờ sáng để “buôn chuyện xuyên biên giới” nữa.

Thế nhưng, nếu có cơ hội, cha mẹ hãy thử gợi ý con gửi thư tay một lần – một tấm bưu thiếp, thiệp sinh nhật hay chúc mừng. Không giống như những tin nhắn chớp nhoáng, những bức thư tay này mang vẻ chậm rãi, từ tốn rất “nghệ”. Trong thời đại “livestream”, một bức thư vượt mấy ngày để đến nơi, giấy mực còn vương mùi hương quen thuộc, chứa đựng thật nhiều cảm xúc và tấm lòng của người viết, sẽ là một kí ức khó quên cho tình bạn của các con.

Những cuộc gặp gỡ

Hẹn nhau trong quán trà sữa, cùng chơi một trận bóng hay kéo về nhà một đứa nào đó ăn lẩu – vài buổi gặp trong năm học cũng cũng là đủ. Ở đó, các con cùng nhau cười đùa về một “phi vụ” cảm nắng bí mật, than vãn về những thay đổi chóng mặt của kì thi sắp tới, hay đơn giản là cùng nhau ôn lại kỉ niệm ngày xưa. Được sống trọn vẹn trong bầu không khí thoải mái bên những “cạ cứng” hợp gu này sẽ là liều thuốc giải toả tâm lí thực sự hữu ích cho các con khi những ngày thi cử đã gần kề.

Trên Facebook, chúng ta có hàng trăm, hàng ngàn “bạn bè” – những người luôn hào phóng với các lượt “yêu thích”, tích cực “bình luận” những bức ảnh mới nhất, sẵn sàng “chia sẻ” các hoạt động của chúng ta. Thế nhưng, có bao nhiêu trong những kết nối ấy là tình bạn thực sự? Tương tác giữa người với người rất cần được nuôi dưỡng trong cuộc sống thực – nơi chúng ta có thể lắng nghe, nhìn nhau, cười nói, ôm, vỗ vai hay nắm tay, nơi chúng ta tương tác bằng tất cả các giác quan của mình với người đối diện. Tình bạn không phải là một ngoại lệ.

Xét đến cùng, chẳng có mối quan hệ nào tự dưng xuất hiện, cũng không có mối quan hệ nào tồn tại mãi nếu chúng ta không cố gắng vun đắp. Nhưng con cũng không cần phải quá sức chăm bẵm chúng. Tình bạn học sinh vốn dĩ chân thành, không vụ lợi, chính vì thế mà bền chặt và “dễ tính”. Trước một khó khăn, con gọi cho bạn để than thở. Sau một thắng lợi, bạn kéo con ra hàng trà đá ba hoa thiên địa. Con chẳng phải gồng mình lên để là ai cả, cũng không cần phải khoác lên mình chiếc mặt nạ vui tươi giả tạo. Các con cứ là chính mình, kể cho nhau những câu chuyện vui buồn lẫn lộn, nhớ đến nhau, bên nhau trong những phút giây bình dị của chặng đường “học làm người lớn” nhiều lo âu.

Tình bạn chỉ cần như vậy, là đủ để lớn lên, “khoẻ mạnh và tươi tốt” mỗi ngày.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.