3 bước sẵn sàng cho công việc của sinh viên RMIT

Đôi lúc trên các mặt báo, chúng ta thấy những bài viết phản ánh về thái độ không hay trong công việc của một người trẻ nào đó mới đi làm. Nào là “sinh viên đòi lương nghìn đô để đáng công học tập”, “bạn trẻ thụ động trong công việc” hay “thái độ gây mất điểm với nhà tuyển dụng”. Bạn, những bậc cha mẹ, có suy nghĩ như thế nào? Theo bạn, sinh viên “đòi lương cao”, “không xả thân đủ trong công việc” là đúng hay sai? Bạn có nghĩ rằng nếu sinh viên “biết thân biết phận”, không đòi hỏi, im lặng trong môi trường công sở thì tốt hơn? Bạn đã hướng dẫn và chia sẻ cho con những gì từ kinh nghiệm làm việc mấy mươi năm của mình?

Đúng là các trường đại học hiện nay luôn chú trọng vào chương trình giảng dạy thực tế, các em được học và thực hành những thứ càng gần với nhu cầu thị trường việc làm càng tốt. Tuy nhiên, môi trường đại học không là, và không nên là, môi trường công việc. Bởi vì một bên là nơi các em học tập trang bị kiến thức, trao đổi với thầy bạn, mắc sai lầm để hiểu. Một bên là nơi các em trao đổi sức lao động và trí tuệ của mình để lấy thu nhập, và chịu trách nhiệm trực tiếp cho những quyết định của mình. Áp lực và đòi hỏi ở hai nơi rất khác nhau, vì vậy đòi hỏi một sự hoà nhập khác nhau. Chính vì lẽ đó, sẽ luôn luôn có một khoảng khác biệt giữa môi trường công việc và đại học.

RMIT Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chương trình học của đại học RMIT vốn được thiết kể để các em học xong có thể đi làm ngay, nhưng ngoài học chuyên ngành, sinh viên RMIT còn được trải qua chương trình làm quen với môi trường công việc để “giảm sốc” nhiều nhất có thể khi bắt đầu đi làm. Chương trình này gồm ba giai đoạn, được bắt đầu từ lúc các em bước chân vào trường.

3 bước sẵn sàng cho công việc của sinh viên RMIT

Giai đoạn 1: Khám phá (Explore)

Ở giai đoạn này, về mặt kiến thức, các em sinh viên RMIT sẽ được học các môn cơ sở, mang tính chất nền tảng cho các môn học chuyên sâu sau này. Bên cạnh đó, các em được khuyến khích tham gia các câu lạc bộ trong trường hoặc tìm việc làm thêm, cũng như tham dự các buổi hướng dẫn về hướng nghiệp và chương trình hoàn thiện kỹ năng cá nhân với tên gọi Personal Edge. Đây là những hoạt động rất quan trọng để các em mở rộng vùng quan tâm của mình, hiểu phong cách làm việc của mình hoặc thể loại công việc mình ưa thích. Các em cũng dần thu thập thông tin về thị trường việc làm rộng lớn và những lựa chọn khả thi với mình để tìm hiểu dần dần.

Giai đoạn 2: Trải nghiệm (Experience)

Sau giai đoạn Khám phá, sinh viên RMIT sẽ được trải nghiệm sâu hơn về chuyên ngành mình đã lựa chọn. Các bài giảng trên lớp sẽ có đại diện đang làm việc trong ngành đến chia sẻ, tham vấn. Ngoài ra, các em cũng được học các môn chuyên ngành trong môi trường được mô phỏng như môi trường làm việc thật. Các bài tập trên lớp của các em cũng đòi hỏi sự phân tích, nghiên cứu và đánh giá các tình huống thực tế trong các doanh nghiệp, đôi khi là các trường hợp đang diễn ra ngay lúc học một môn học cụ thể. Từ đó các em có trải nghiệm và dần quen với việc xử lý tình huống và giải quyết vấn đề trong công việc thực tế sau này. Ngoài hoạt động trên lớp, đây cũng là giai đoạn các em bắt đầu được tham dự các buổi giới thiệu và thực hành chuyên sâu hơn về kỹ năng làm việc, cũng như các bước viết CV, phỏng vấn, cách ăn mặc hoặc giao tiếp. Các em bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về những nơi mình muốn làm việc, có thể xin thực tập hoặc nộp đơn chuẩn bị thực tập.

Giai đoạn 3: Dấn thân (Engage)

Đây là bước chuẩn bị cuối cùng trước khi sinh viên RMIT tốt nghiệp và chính thức gia nhập môi trường làm việc. Các em sẽ được làm dự án nhóm cho khách hàng là các công ty/tổ chức có nhu cầu thực tế, thuyết trình giải pháp để nhận phản hồi của khách hàng và tham gia các cuộc thi mô phỏng thực tế dưới sự hướng dẫn của thầy cô trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các em sẽ đi thực tập ít nhất ba tháng, và được quyền tham gia vào chương trình “Cố vấn nghề nghiệp” do nhà trường tổ chức để chọn một người giàu kinh nghiệm trong một lĩnh vực công việc cụ thể để hướng dẫn cho mình trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, RMIT cũng tổ chức các chuỗi sự kiện mở rộng quan hệ (networking) để sinh viên gặp gỡ các anh chị đã đi làm, tạo dựng hệ thống các mối quen biết để gia tăng cơ hội tìm việc. Một số hoạt động nổi bật trong chuỗi chương trình bao gồm:

Hoàn thiện kỹ năng cá nhân – Personal Edge

Chương trình chuẩn bị kỹ năng làm việc trực tuyến, thường được giới thiệu ở giai đoạn 1 của chương trình chuẩn bị việc làm. Chương trình Personal Edge sẽ giúp các sinh viên RMIT rèn luyện những kỹ năng quan trọng trong công việc như tư duy phản biện, khả năng lãnh đạo, giao tiếp hiệu quả và làm việc trong môi trường đa văn hoá. Ngoài ra, chương trình còn giúp các em xây dựng portfolio, viết CV hoặc lên kế hoạch nghề nghiệp cụ thể.

Ngày tuyển dụng – Recruitment Day

Hàng năm, đại học RMIT Việt Nam đều tổ chức ngày hội tuyển dụng, mời đại diện từ những tập đoàn và công ty lớn ở Việt Nam đến trường giới thiệu về mình và tuyển dụng những sinh viên giỏi. Vào ngày này, sinh viên RMIT có thể thu thập thông tin về các công ty, thông tin liên hệ cũng như nộp CV của mình cho những công ty mà các em thích. Nếu đạt yêu cầu tuyển dụng, họ sẽ liên lạc mời các em đi thực tập hoặc làm việc sau khi ra trường.

Chuẩn bị phỏng vấn – Interview Ready  

RMIT thường xuyên tổ chức những buổi workshop chuẩn bị kiến thức và kinh nghiệm cho các sinh viên trong những buổi phỏng vấn. Các em sẽ được dạy rất kỹ từ cách ăn mặc, cử chỉ, thái độ hay những câu hỏi quan trọng trong buổi phỏng vấn. Các buổi chuẩn bị phỏng vấn này luôn bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành, khi đó các thầy cô sẽ đóng vai nhà tuyển dụng tổ chức một buổi phỏng vấn như thật cho các em.

Người truyền kinh nghiệm – Career Mentoring Program

Vào những học kỳ cuối trước khi đi thực tập, các sinh viên RMIT sẽ được chọn người hướng dẫn cho mình trong công việc từ danh sách trường đề cử. Họ là những người giàu kinh nghiệm, giữ chức vụ quan trọng trong ngành, đồng ý dành thời gian gặp các em, trả lời câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Ở tất cả các ngành nghề mà trường có giảng dạy, RMIT luôn giữ kết nối chặt chẽ với các công ty tập đoàn thuộc lĩnh vực đó, cũng như liên tục cập nhật tình hình tuyển dụng. Điều này giúp tăng thêm cơ hội và các vị trí tốt cho sinh viện RMIT khi bắt đầu đi làm.

Việc chuẩn bị cho sinh viên hoà nhập với môi trường việc làm không nên để đến những năm cuối đại học mà nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Càng được chuẩn bị kỹ, các em càng dễ dàng thích nghi khi đi làm, thể hiện hết năng lực của mình và giảm tối đa những sai lầm không đáng có.

👉 Tìm hiểu thêm về Đại học RMIT tại ĐÂY

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.