Để thay đổi phương pháp giáo dục cho phù hợp, cha mẹ cần thấu hiểu cả tâm lý cũng như những đặc điểm sinh học của con trong giai đoạn “ẩm ương này”. Trong bài viết dưới đây RMIT & Cha Mẹ xin chia sẻ 3 đặc điểm mà cha mẹ ít biết khi nuôi dạy con, cũng như một vài gợi ý giúp con vượt qua các hạn chế về não bộ trong giai đoạn này.
1. Teen thích liều lĩnh
Trong giai đoạn phổ thông, phần lớn teen có xu hướng chấp nhận rủi ro, thử thách để đạt được những mục tiêu lớn, ngay cả khi teen không thể chắc chắn hay không biết rõ về khả năng thành công của thử thách đó. Khác với người lớn, teen không sợ bị từ chối, hay tính toán chi ly. Theo giáo sư Sarah-Jayne Blakemore (Đại học University College London, Anh), nguyên nhân của sự liều lĩnh này chính là do sự thiếu hoàn chỉnh của phần vỏ não trước. Phần vỏ não này đóng vai trò cấu tạo và hình thành những ý tưởng và ngôn ngữ, điều khiển những cảm xúc đa dạng của con người, cũng như đưa ra các đánh giá, quyết định. Chính sự phát triển chưa hoàn thiện về não bộ này khiến teen tự do trong suy nghĩ, và sẵn sàng liều lĩnh, ngay cả khi biết rằng mình đang mạo hiểm.
Trong học tập, cha mẹ có thể tận dụng sự thiếu hụt về não bộ này để giúp con sẵn sàng khai phá các khó khăn và thử thách trong chuyện học hành. Cha mẹ có thể khuyến khích con thử giải các bài tập nâng cao trong sách, tự tìm những ví dụ chứng minh cho một định nghĩa trong tiết học sắp tới ở trường hay thử viết một bài văn theo cách không giống ai. Khi nhận được sự khích lệ từ cha mẹ, con sẽ ham mê học hỏi hơn, từ đó rèn luyện được thói quen chủ động và sáng tạo trong cả chuyện học hành, cũng như công việc sau này.
Có một lưu ý nho nhỏ dành cho cha mẹ, đó là hãy khoan dung và từ tốn hơn với con nếu chẳng may con gặp thất bại. Kẻ thù của sự liều lĩnh là thất bại, và thất bại có thể đánh gục con bất cứ lúc nào. Để giúp con luôn mạnh mẽ và liều lĩnh đón nhận thử thách, cha mẹ nên an ủi, khuyến khích con tiếp tục cố gắng, thay vì trách móc nếu chẳng may con vấp ngã.
2. Teen khó ngủ đủ
Một vấn đề thứ hai khiến cha mẹ teen đau đầu đó là con thường ngủ khá ít hay thường xuyên bị mất ngủ trong giai đoạn phổ thông. Trong giai đoạn phổ thông, giấc ngủ cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển về thể chất và giúp con luôn tỉnh táo, khoẻ mạnh để tiếp thu kiến thức, và đạt kết quả học tập như mong đợi. Hiệp hội về giấc ngủ Hoa Kỳ cho rằng, để đảm bảo sức khoẻ và thể chất, teen nên ngủ trung bình từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày.
Thế nhưng, đa phần teen đều không cảm thấy buồn ngủ vào buổi tối, do cơ thể thiếu melatonin – một loại hormone giúp con người đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Không những vậy, vì teen thường bắt đầu giờ học từ khá sớm (trước 8 giờ sáng), nên teen sẽ bị thiếu hụt giờ ngủ, đẫn đến chuyện bị uể oải, khó tỉnh táo và tiếp thu bài hiệu quả.
Một giấc ngủ chất lượng và đầy đủ là rất quan trọng cho teen trong giai đoạn “bẻ gãy sừng trâu này”. Để giúp con duy trì giấc ngủ tốt, cha mẹ nên giúp con hiểu về tầm quan trọng của việc ngủ đối với sức khoẻ, sự phát triển thể chất, cũng như việc học hàng ngày của con. Dưới đây là một vài gợi ý đơn giản để cải thiện chất lượng giấc ngủ của teen:
— Không sử dụng các thiết bị điện tử (TV, máy tính, điện thoại di động) trong vòng 1 giờ trước giờ đi ngủ
— Giữ phòng ngủ của con yên tĩnh, sạch sẽ, và thoải mái
— Uống một chút nước ấm hay sữa ấm để ngủ ngon hơn
Trong trường hợp con bị mất ngủ do bệnh lý hay stress, cha mẹ có thể nhờ tư vấn từ các bác sĩ tâm lý để có hướng điều chỉnh cho phù hợp, nhanh chóng.
3. Teen định vị cảm xúc và kiềm chế kém
Sự thiếu hoàn thiện của vùng vỏ não trước khiến việc định vị cảm xúc của teen bị phụ thuộc nhiều vào cảm xúc ở hệ viền thay vì tư duy phân tích ở vùng vỏ não trước trán. Không những vậy, khác với người lớn, hệ viền ở teen còn khá non nớt, kém chính xác, dễ phản ứng thái quá. Điều này khiến teen khó định vị và kiềm chế cảm xúc của mình.
Hiện chưa có một biện pháp triệt để nào để vượt qua trở ngại này của teen. Thế nhưng, cha mẹ vẫn có thể phần nào can thiệp để giúp con cải thiện khả năng định vị cảm xúc, và chủ động kiềm chế những cảm xúc tiêu cực. Kiên nhẫn lắng nghe, tận tình trợ giúp, và hướng dẫn chính là chiếc chìa khoá vàng giúp con phát triển khả năng tự nhận thức bản thân trong giai đoạn này.
Về phần kiềm chế cảm xúc, cha mẹ có thể giúp con rèn luyện khả năng kiềm chế cảm xúc bản thân bằng cách rèn thói quen so sánh, suy nghĩ kỹ trong những tình huống cần thiết. Một danh sách đơn giản như “Những điều nên làm và không nên làm” hay “Với một quyết định cụ thể, thì có những điểm lợi và bất lợi gì?” là những gợi ý khá mới mẻ, hiệu quả mà vẫn cho con sự tự chủ và quyền quyết định cần thiết.
Chẳng hạn, với quyết định con sẽ vẫn chơi games trong thời gian ôn thi học kỳ. Thay vì cấm đoán con, cha mẹ có thể cùng con gạch đầu dòng những điểm sau, và cho con lựa chọn phương án giải quyết mà con thấy hợp lý:
— Điểm cộng: con vẫn có thời gian giải trí với games ưa thích
— Điểm trừ: con sẽ có ít thời gian và sự tập trung cần thiết để ôn thi
Dựa trên những gạch đầu dòng này, con sẽ chủ động cân nhắc kiềm chế nhu cầu chơi games của mình, chẳng hạn như giảm số thời gian chơi lại, hay quyết tâm không chơi games cho đến khi thi học kỳ xong.
Kết luận
Hy vọng qua bài viết trên đây, cha mẹ đã thấu hiểu và tự tin hơn khi đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp cho con trong độ tuổi teen. Kết hợp với các hiểu biết về đặc điểm sinh học bộ não của con, cha mẹ cũng cần chú ý dành thời gian lắng nghe con để “gỡ rối”, trợ giúp kịp thời khi con gặp khó khăn, vướng mắc.
—
*Bài viết có sử dụng thông tin và nội dung từ bài báo “Bí mật bộ não teen: Hướng dẫn của nhà tâm lý học dành cho giáo viên” của tạp chí The Guardian (Anh).
Comments