Điều kì diệu nhất của năm qua có lẽ là đại dịch qua đi, cuộc sống phần nào quay về quỹ đạo bình thường. Sau tất cả những khó khăn trong những năm qua, chúng ta học được rằng: lạc quan là tốt song vẫn luôn cần đề phòng những khó khăn tương tự sẽ quay lại trong tương lai. Và cách tốt nhất để cha mẹ có thể bảo vệ con chính là giúp con chuẩn bị sẵn sàng để đối diện với những khó khăn đó.
3 bài học dưới đây, RMIT&Cha Mẹ chắc rằng nhiều cha mẹ đã rút ra, nhưng vẫn muốn chia sẻ tại thời khắc kết thúc một năm này, với hy vọng rằng từ những khủng hoảng bất ngờ trong năm 2022 và trước đó, cha mẹ sẽ cùng con đúc kết để giúp con tự bảo đảm an toàn cho bản thân mọi lúc có thể trước những bất trắc.
Cha mẹ hãy chia sẻ bài viết này với con để cả nhà cùng biết thêm nhiều cách tự bảo vệ bản thân. Cuối cùng để thay lời kết, RMIT xin kính chúc cả gia đình một năm mới 2023 an khang thịnh vượng, mạnh khỏe và bình an!

Bài học 1: Chủ động bảo vệ bản thân
Cho dù con đang sinh sống ở bất cứ đâu, ngay cả cha mẹ cũng không để bảo vệ con suốt cuộc đời. Vì vậy, để giúp con luôn ở trong thế chủ động, gia đình hãy tham khảo các phương án được gợi ý dưới đây nhé:
Lưu các số điện thoại khẩn cấp
Khi không thể tự mình xử lý, điều tốt nhất có thể làm là tìm kiếm sự giúp đỡ. Con nên tạo thói quen lưu vào danh bạ các số điện thoại khẩn cấp để không phải mất thời gian tra cứu khi cần. Ví dụ như số điện thoại cứu hỏa 114, cấp cứu y tế 115, Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em 111, cứu nạn khẩn cấp 112, v.v… Đó cũng có thể là số điện thoại của hàng xóm, cảnh sát khu vực, hoặc những người con tin cậy. Nếu con học xa nhà, tra cứu trước các số điện thoại khẩn cấp tại khu vực mình sinh sống là điều cần thiết.
Các con có lẽ đều biết đến sự cố đáng tiếc tại Hàn Quốc vào dịp lễ Halloween vừa qua, hay những trường hợp ngất xỉu khi tham gia count-down năm mới tại Hà Nội hay TP.HCM, từ đó có thể thấy rằng kỹ năng sơ cứu là vô cùng cần thiết cho bất cứ ai. Với những kiến thức này, con không chỉ có thể tự cứu chính mình vào lúc nguy cấp mà còn có thể hỗ trợ cho người khác. Hô hấp nhân tạo, ép tim thổi ngạt, cầm máu, v.v… đều là những kỹ năng con có thể học và thực hành được. Tại Việt Nam hiện nay đã có những khóa học hướng dẫn và cấp chứng chỉ sơ cứu, cha mẹ có thể tìm kiếm tại khu vực mình đang sinh sống và đăng ký tham gia ngay nhé!
Tuy đã là năm 2023, song những tin tức về các vụ án chấn động toàn thế giới vẫn liên tiếp xuất hiện. Xã hội văn minh hơn, nhưng len lỏi đâu đó vẫn có nhưng đối tượng nguy hiểm. Do đó, học một môn võ để tự vệ hoặc trang bị những vật dụng giúp bảo vệ bản thân như còi cứu hộ và thiết bị định vị vẫn là điều nên làm.


Bài học 2: Sống “tiết kiệm” hơn
Nhắc đến “tiết kiệm”, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tiết kiệm tiền. Nhưng sau năm rồi, có lẽ con cần tiết kiệm nhiều thứ hơn thế.
Sau những năm dịch covid-19 bùng phát, các nguy cơ về sức khỏe khác vẫn tiếp tục xuất hiện. Ở độ tuổi trẻ, con nên bắt đầu có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân nhiều hơn, không nên để đến lúc ốm đau thì đã muộn. Đó có thể là những hành động rất nhỏ như đi ngủ sớm, ăn đủ bữa và uống đủ nước. Sau đó, con có thể tham gia một môn thể thao nào đó để tăng sức đề kháng.
Đọc thêm: Mách cha mẹ 5 bí quyết dạy con yêu cơ thể
Năm 2022 còn được nhiều chuyên gia gọi là “năm của khủng hoảng năng lượng toàn cầu”. Do xung đột giữa các nước, cộng thêm bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch, nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của thế giới đang thiếu hụt. Chi phí nhập khẩu các loại năng lượng sẽ tăng lên và điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Do đó, hãy tiết kiệm cả những nguồn năng lượng xung quanh con như điện, nước, xăng dầu, v.v…
Vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, nên con cần dành thời gian trân quý hiện tại và những người đang ở bên con. Hãy dần học cách quản lý tốt thời gian biểu của mình thay vì lướt mạng không kiểm soát hay làm những điều không tạo ra giá trị tích cực.


Bài học 3: Giữ tinh thần vững vàng
Trau dồi những kỹ năng và có sự chuẩn bị để bảo vệ bản thân là điều tốt, song con cũng cần nâng cao sức khỏe tâm lý để có một tinh thần vững vàng trước mọi biến cố.
Có nhận thức được bản thân đang gặp nguy hiểm thì mới có thể tự cứu chính mình lúc nguy cấp. Vì vậy, không ngừng học tập và nâng cao tri thức về con người và xã hội cũng là điều cần làm. Đừng bỏ qua các chương trình thời sự, truyền hình thực tế hay phim tài liệu để có cái nhìn khách quan hơn về hiện thực cuộc sống. Chúng sẽ trang bị lượng kiến thức không nhỏ và giúp con cảnh giác hơn với những tình huống tương tự ngoài đời.
Đọc thêm: Chuỗi bài viết “Cùng con đi tìm ý nghĩa cuộc sống”
Luôn có thể hạn chế tối đa các tình huống nguy hiểm bằng cách chủ động tránh khỏi chúng. Ví dụ như không ra đường vào giờ muộn, tránh đến những nơi quá đông hoặc quá vắng người; khi đến một nơi mới, cần chú ý cửa thoát hiểm ở đâu và khu vực đó có an toàn phòng cháy chữa cháy hay không, v.v…
Cho dù con trang bị kiến thức hay cảnh giác cao độ đến đâu thì cũng sẽ rất khó tránh khỏi những tình huống bất ngờ. Sẽ không ai có thể đoán trước được các tình huống như bị hỏng xe, về nhà trễ hơn dự kiến, hoặc gặp các vấn đề thời tiết bất ngờ như mưa bão, v.v… Ngoài ra, mối nguy hiểm có thể đến từ bất cứ đâu. Đó không chỉ là người lạ, mà còn có thể đến từ bạn bè, người thân, người yêu, v.v… – những người thật sự gần gũi với con.
Chính vì vậy, tuyệt đối không nên chủ quan hoặc coi thường những lời cảnh báo nguy hiểm từ mọi người, hoặc đôi khi là từ chính linh cảm của mình. Khi con luôn đề cao cảnh giác, đến lúc gặp vấn đề vẫn sẽ có khả năng hạn chế được tình huống nguy hiểm.