Khi nhắc tới những kỹ năng mà một bạn trẻ Gen Z cần có để thành công, người ta luôn nói về khả năng sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, giao tiếp,… Tuy nhiên, RMIT cho rằng đó mới chỉ là những kỹ năng “cần”, mà vẫn chưa “đủ”. Để trở nên thật nổi bật trong mắt các nhà tuyển dụng, Gen Z còn phải “chạy đua” với thời đại để trau dồi những kỹ năng “mới” như làm việc từ xa, linh hoạt ngành nghề, làm chủ bản thân và nhanh nhạy với công nghệ.
1. Làm việc từ xa
Xu hướng làm việc từ xa đã nhen nhóm vài năm trở lại đây trên thế giới, nhưng phải tới năm nay, khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, khả năng làm việc từ xa bỗng trở thành một yếu tố quan trọng và cần thiết với từng cá thể. Điều này nghe qua tưởng như dễ dàng, nhưng lại đòi hỏi tính kỷ luật cao ở mỗi người. Gen Z cần rèn “kỷ luật thép” để sẵn sàng làm việc từ xa khi cần, bởi hình thức này thực chất tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực cho các công ty. Hơn nữa, xu hướng “làm việc tự do” cũng đang ngày càng trở nên thịnh hành không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam, mở ra rất nhiều con đường cho các bạn trẻ Gen Z lựa chọn.
Lợi ích của kỹ năng này được nhìn thấy khá rõ ràng. Thứ nhất, các con chủ động thời gian làm việc nên sẽ chăm sóc bản thân được nhiều hơn, giảm bớt được lượng “thời gian chết” khi ngồi tại văn phòng công ty từ sáng tới chiều muộn. Thứ hai, các con chủ động hơn về mặt tài chính, do có thể cùng lúc nhận nhiều dự án khác nhau, miễn sao sắp xếp và phân bổ công việc đủ hợp lý để thực hiện.
2. Linh hoạt ngành nghề
Không giống như trước đây, cha mẹ học ngành nào, ra trường chắc chắn chỉ có thể theo đúng nghề đó, ngày nay các con có vô số lựa chọn về nghề nghiệp. Điều này là bởi nhiều nghề mới xuất hiện trên thị trường lao động thuộc các nhánh nhỏ trong mỗi ngành học. Cũng chính vì thế con nên học đủ rộng trong lĩnh vực của mình để không bị giới hạn khuôn khổ một nghề duy nhất. Chẳng hạn, nếu học chuyên ngành Kinh tế, con hoàn toàn có thể thử sức với Marketing rồi qua Quản trị Nguồn nhân lực hay Phát triển Thị trường mà không gặp quá nhiều bỡ ngỡ; tốt nghiệp ngành Thiết kế, con có thể chuyển từ thiết kế đồ hoạ sang thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng trên website (UI/UX).
Nhờ có sự linh hoạt ngành nghề, con nắm thế chủ động trước sự biến đổi liên tục của thị trường lao động trong tương lai gần và xa, bởi quá trình đào thải của các ngành nghề đang diễn ra ngày một nhanh và sẽ còn tiếp tục như vậy. Chỉ một vài năm là một “nghề hot” hoàn toàn có thể tụt dốc, mất chỗ đứng, hay thậm chí biến mất và bị thay thế bởi công nghệ mới.
3. Làm chủ bản thân
Kỹ năng này đặc biệt quan trọng đối với Gen Z, bởi các con sinh ra trong giai đoạn đủ ăn, đủ mặc, luôn luôn khao khát chinh phục những mảnh ghép còn thiếu trong tâm hồn. Các con đi tìm ý nghĩa cuộc đời, giá trị của bản thân, những lý tưởng cao đẹp thiêng liêng nhất. Chính vì vậy mà đa phần các bạn trẻ phải chịu “áp lực từ bạn bè” (peer pressure) với những thành công từ khi còn nhỏ tuổi. Nếu rèn luyện được kỹ năng làm chủ bản thân, con sẽ hiểu rõ tính cách, sở thích, giá trị của chính mình để xây dựng lập trường rõ ràng, tránh bị lung lay bởi quan điểm và thành tích của bè bạn. Mỗi người sẽ có cho mình một kiểu thành công riêng, con nên tôi luyện cho mình một cái đầu tỉnh táo để lựa chọn và đứng vững.
Khi làm chủ được bản thân rồi, con sẽ hiếm khi gặp phải những cảm xúc tiêu cực từ trạng thái “mông lung” lo lắng, hoặc cảm thấy bản thân thua kém so với các bạn xung quanh. Ngoài ra, con càng hiểu bản thân, càng có mục đích rõ ràng, con sẽ càng dễ tập trung vào con đường của mình và tiến nhanh hơn nữa!
4. Nhanh nhạy với công nghệ
Khả năng nắm bắt và tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ là điều chắc chắn con nên rèn luyện. Cha mẹ hãy cho con tiếp cận với công nghệ một cách tích cực nhất, hướng dẫn con khi sử dụng hãy để ý và liên tục quan sát học hỏi, ngay cả khi ngành nghề tương lai của con không cần làm việc trực tiếp với công nghệ. Ví dụ, một giảng viên có thể áp dụng công nghệ vào việc dạy học để tạo ra các công cụ hỗ trợ học sinh tốt hơn, với những giờ học chân thực, sinh động và dễ nhớ dễ hiểu hơn; một nhân viên hành chính nhập liệu nhanh hơn, trình bày khoa học và đẹp mắt hơn nhờ các phần mềm chuyên dụng; hay thậm chí một nhân viên chăm sóc khách hàng biết khai thác phần mềm quản lý khách hàng (CRM) sẽ tư vấn khách chuẩn chỉnh hơn, chốt được nhiều đơn hàng hơn bao giờ hết.
Khi nhạy bén với công nghệ, con có thể tận dụng máy móc làm giúp mình những công việc “chân tay”, để dành thời gian học tập và thử sức với những nhiệm vụ “hại não” hơn một chút. Khi ấy, con tự mang lại nhiều giá trị hơn cho mình, cho doanh nghiệp, và đồng thời nhận lại mức thù lao xứng đáng với chất xám và công sức của mình.
Nhìn chung, muốn thành công vượt trội, Gen Z không chỉ nên dừng lại ở những kỹ năng ai-cũng-cần-phải-có. Cha mẹ hãy hướng dẫn và động viên các con trau dồi thêm những kỹ năng được RMIT phân tích kỹ trong bài viết này, và chia sẻ cùng RMIT những thay đổi của con sau quá trình tôi luyện nhé!
—
Để tìm hiểu thêm về Gen Z, cha mẹ có thể theo dõi series Bí ẩn Gen Z (thế hệ sinh từ 1996 tới 2010) của RMIT & Cha Mẹ với loạt bài dưới đây:
- Nếu bạn có con sinh từ năm 1996 tới 2010, bạn phải đọc bài viết này
- Bí ẩn GenZ: Tại sao con tôi chỉ thích nhắn tin chứ không gọi điện hay gặp mặt trực tiếp?
- Bí ẩn GenZ: Vì sao con tôi thích trải nghiệm?
- Bí ẩn GenZ: Tại sao con tôi cứ muốn “làm việc vì đam mê”?
- Trầm cảm với Gen Z – vì sao cha mẹ cần lưu tâm?