Cảm thông với bản thân là một kĩ năng cần thiết. Từ bé, con đã được dạy phải biết quan tâm, chia sẻ với khó khăn của người khác. Thế nhưng, chẳng phải chính chúng ta ai cũng có “cuộc chiến” của riêng mình đó sao? Vậy tại sao các con chỉ được dạy cảm thông với khó khăn của những người xung quanh mà bỏ qua những chật vật của mình? Bài viết dưới đây sẽ đem đến gợi ý hữu ích để cha mẹ giúp con trân trọng bản thân và đối diện với những khó khăn một cách tích cực hơn, để bài học yêu thương của con được bắt đầu từ chính bản thân mình.
Cảm thông với chính mình là cố gắng hiểu bản thân hơn; không dằn vặt, chỉ trích mình trước các thất bại đã qua và tin vào khả năng, vào những “giá trị riêng” làm nên bản sắc của mình. Nói đơn giản, cảm thông ở đây là đối xử tử tế với chính mình.
Tại sao cảm thông lại là một kĩ năng quan trọng?
Trước thất bại, chúng ta có xu hướng so sánh kết quả với người khác và hối hận rằng lẽ ra mình nên cố gắng hơn. Con tự hỏi tại sao lại chỉ xếp thứ 15 trong môn học mình yêu thích, tự hỏi tại sao không thể hoàn thành bài tập đúng hạn, không thể thức giấc đúng giờ đến lớp? Kỉ luật bản thân vốn được tin là chìa khoá tôi rèn nên thành công.
Thế nhưng, thực ra, không phải lúc nào “gồng mình” mạnh mẽ cũng tốt. Cái gì quá cứng thì dễ bị bẻ gẫy. Cứ mềm mỏng, “lúc nhu lúc cương”, dẻo dai “đàn hồi” mới có thể đi được đường dài. Các con là những cá tính mạnh mẽ, giỏi giang, mơ cao vọng lớn là điều dĩ nhiên. Nhưng cha mẹ vì thế mà nên chuẩn bị tinh thần cho con trước những va vấp. Bởi vì chúng ta đều hiểu, chẳng có thành công nào đi một đường thẳng tắp, êm ru là đến, ai nản lòng trước người đó thua cuộc.
Biết cách cảm thông với bản thân không phải là nhu nhược, nguỵ biện, là tự vỗ về, mà là một kĩ năng tâm lí quan trọng. Cảm thông ở đây là biết khả năng của mình, hiểu mình đã cố gắng đến đâu, cho phép mình được “xả” hết những cảm xúc tắc nghẹn trong người. Cảm thông là biết cách tha thứ cho lỗi lầm của bản thân, rồi bước tiếp.
Tôi tin những bạn trẻ biết buồn, biết khóc sau các thất bại để đứng dậy mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn không chỉ là những nhân tố sẽ thành công xuất sắc trong tương lai, mà còn là những cá nhân hạnh phúc. Bởi rũ bỏ những cảm xúc tiêu cực, bởi yêu thương và trân trọng chính mình, các con luôn tràn đầy năng lượng, vui vẻ, đam mê. Sống, làm việc, tận hưởng với tâm thế ấy, chẳng phải là rất vui sao?
Cha mẹ có thể giúp con cảm thông với chính mình hơn như thế nào?
Trước hết, con cần hiểu rằng “vùi dập” hay lơ đi cảm xúc của mình không đồng nghĩa với mạnh mẽ. Buồn bã, thất vọng, tức giận đều sẽ nhẹ bớt khi con chia sẻ với ai đó. Đôi khi trò chuyện còn khiến con nhận ra rằng, thì ra sự việc không tệ đến thế.
Sau đó, cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng: chẳng ai hoàn hảo để mà không mắc sai lầm cả. Ai cũng có một khuyết điểm, ai cũng từng đi qua các thất bại. Con nên bao dung với những lỗi lầm của bản thân và tự nhủ rằng: mình đang học, mình được phép sai.
Cuối cùng, con hãy hướng mình đến những hành động tích cực hơn. Có những biện pháp tâm lí nhỏ có thể giúp con gỡ rối trước chính mình, chẳng hạn như việc tự hỏi: “Trong trường hợp này, con sẽ nói gì với bạn mình, con sẽ an ủi bạn ấy như thế nào?” hoặc thay vì tập trung vào thất bại, con có thể tìm kiếm các giải pháp để sửa chữa các lỗi lầm đó.
Tôi vẫn tâm đắc với một lời khuyên dành cho các bạn trẻ từ “cá mập” Thái Vân Linh – shark nữ duy nhất trong chương trình truyền hình đầu tư tài chính nổi tiếng Shark Tank Việt Nam: “Embrace the pain” (tạm dịch: hãy ôm lấy cả những nỗi đau). Cứ khư khư một niềm kiêu hãnh, cứ gồng mình lên để giấu đi những hậm hực, biết đâu đến một ngày con sẽ thấy quá mệt mỏi để tiếp tục khám phá?
Chỉ có trân trọng cả những thất bại và chấp nhận con người không hoàn hảo của mình, các con mới can đảm dấn thân, trưởng thành. May mắn làm sao, đó cũng sẽ là lúc các con học chấp nhận cả những khiếm khuyết của những người xung quanh, và từ đó, thực sự biết cách cảm thông.
Giang Nguyễn